
Mụn mủ là gì? Cách điều trị mụn mủ hiệu quả

1. Mụn mủ là gì?
Mụn mủ xuất hiện khi bạn bị nhiễm trùng hoặc viêm và cơ thể bạn phản ứng bằng cách làm ngập vùng da bị ảnh hưởng bằng các tế bào bạch cầu. Điều đó có thể dẫn đến hỗn hợp chất lỏng và tế bào bạch cầu chết (mủ).
Trên thực tế có rất nhiều các loại mụn mủ. Ví dụ như mụn nhọt, mụn đầu đinh, mụn bọc… chúng có thể hỏi thăm làn da một cách bất chợt và gây ra tâm lý lo lắng, hoang mang. Bởi ai cũng biết mụn mủ là một dạng mụn viêm ăn sâu vào da và có khả năng gây nhiễm trùng cao.
Một trong những vấn đề được quan tâm nhiều nhất chính là mụn trứng cá mủ. Tình trạng mụn mủ này là do sự tắc nghẽn của lỗ chân lông và vi khuẩn phát triển trong đó, gây viêm nhiễm. Bên trong các tổn thương trứng cá sẽ có dịch mủ và máu. Khi phát triển đến một mức độ nào đó nó có thể bị vỡ ra và gây tổn thương ngoài da.

2. Cách nhận biết mụn mủ
Đặc điểm của mụn mủ bao gồm:
- Thường mọc đơn lẻ, đôi khi xen kẽ với các loại mụn khác như mụn đầu trắng, mụn đầu đen, mụn ẩn.
- Phát triển từ mụn trứng cá không viêm, sau đó tiến triển thành mụn viêm có mủ — do vi khuẩn xâm nhập khiến quá trình kiểm soát trở nên khó khăn hơn.
- Bề mặt mụn sưng đỏ, kích thước mụn có thể tăng dần theo thời gian nếu không được xử lý đúng cách.
- Da quanh mụn có biểu hiện viêm nhẹ, khi sờ vào sẽ thấy mềm, đau và đôi khi có cảm giác nóng rát.
- Phần đầu mụn có mủ màu trắng đục hoặc vàng nhạt, đôi khi kèm theo máu nếu mụn bị vỡ hoặc nặn không đúng cách.
- Người bị mụn mủ có thể cảm thấy đau nhức tại vùng da bị mụn, đặc biệt khi mụn phát triển lớn hoặc nằm sâu dưới da.
Khi có các dấu hiệu tương tự, bạn có thể tới gặp các bác sĩ chuyên khoa để có chẩn đoán phân biệt chính xác. Không tự ý nặn, điều trị mụn tại nhà bởi nếu thực hiện sai cách mụn sẽ bị viêm gây tổn thương da và để lại sẹo vĩnh viễn.
3. Mụn mủ thường mọc ở đâu?
Mụn mủ có thể mọc ở nhiều vị trí trên cơ thể. Tuy nhiên tập trung nhiều nhất sẽ là ở những vùng da có tuyến bã nhờn hoạt động. Tùy thuộc vào nguyên nhân gây mụn mà bạn có thể bắt gặp mụn mủ ở những vị trí sau:
- Mụn mủ ở vùng mặt má, nhất là khu vực T, cằm và viền hàm.
- Mụn mủ ở da đầu bao gồm vùng viền tóc và chân tóc.
- Mụn viêm mủ ở ngực/ ngực, nhất là ở những nơi có cọ sát với áo lót.
- Mụn mủ ở mông thường dễ bị nhầm lẫn với viêm nang lông.
- Mụn mủ ở tay chân thường do ma sát nhưng ít gặp hơn.
- Mụn mủ ở cằm thường liên quan đến rối loạn nội tiết, stress...

4. Nguyên nhân gây mụn mủ là gì?
Khi mụn mủ xuất hiện bạn sẽ cần có những chẩn đoán phân biệt chính xác để điều trị hiệu quả. Bởi không phải tất cả các trường hợp nổi mụn mủ đều là biểu hiện của mụn trứng cá viêm bạn nhé.
Do đó, nếu bạn bị nổi mụn mủ bất thường kèm theo dấu hiệu sốt, đau đầu, chán ăn hoặc các triệu chứng khác trên toàn cơ thể, mụn mủ có thể là một phần của bệnh lý bên trong cơ thể. Chẳng hạn như nhọt, mụn đầu định hoặc thủy đậu. Do đó, không nên điều trị mụn mủ một cách hấp tấp để tránh sai bệnh, khiến cho tình trạng da liễu khó kiểm soát hơn.
Một số các bệnh lý liên quan đến mụn mủ xuất hiện trên da gồm:
- Mụn mủ trứng cá
Đây là dạng trứng cá viêm rất phổ biến. Chúng xảy ra khi một trong các lỗ chân lông trên da của bạn bị kích ứng đến mức thành lỗ chân lông bị vỡ và tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi và phát triển. Mụn trứng cá mủ có kích thước nhỏ sẽ nhanh chóng xuất hiện và sau đó sẽ gia tăng về kích thước và gây sưng đau khó chịu.
- Mụn mủ vảy nến
Bệnh này gây ra tổn thương da nghiêm trọng dưới dạng các mảng đỏ, ngứa và cả tình trạng da có mủ. Nhiễm trùng, stress, một số hóa chất và một số loại thuốc đều có thể gây ra một đợt bùng phát của bệnh vảy nến mủ.
- Bệnh trứng cá đỏ
Trứng cá đỏ là bệnh thuộc hệ thống miễn dịch, không phải là bệnh trứng cá thông thường. Bệnh khiến da mặt của bệnh nhân đỏ bừng và có gây viêm da với sự xuất hiện của mụn mủ và tổn thương da trên diện tích rộng.
- Mụn mủ thủy đậu
Bệnh thủy đậu khiến cho mụn mủ nổi khắp cơ thể. Mụn thủy đậu có dạng hình tròn và mọng nước. Bên trong mụn thủy đậu có dịch nước và khi tiến triển sẽ tạo mủ. Người bệnh thủy đậu còn bị đau cơ, sốt cao, mệt mỏi, ngứa ngáy vô cùng khó chịu.
- Bệnh đậu mùa gây mụn mủ
Mụn mủ là một trong những dấu hiệu rõ ràng nhất của căn bệnh nguy hiểm nhất thế giới. Tuy nhiên ca bệnh cuối cùng về bệnh đậu mùa xảy ra vào năm 1977. Mặc dù thế, chúng ta cũng không nên chủ quan với bất kỳ tổn thương mụn mủ nào trên cơ thể bởi đó có thể là cảnh báo đậu mùa nhé.
Để chuẩn đoán chính xác về tình trạng mụn mủ, bác sĩ chuyên khoa sẽ thăm khám da sau đó đặt ra một số câu hỏi về tiền sử bệnh lý. Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể sẽ phải làm một số xét nghiệm liên quan để có kết luận bệnh chuẩn xác nhất. Việc thăm khám được thực hiện sớm sẽ giúp kiểm soát sự phát triển của mụn mủ và ngăn ngừa các biến chứng sức khỏe về sau.

5. Chăm sóc da bị mụn mủ
Với tình trạng da nổi mụn mủ, nhất là mụn trứng cá mủ, chúng ta sẽ cần tích cực chăm sóc và điều trị tại nhà. Chăm sóc da khoa học sẽ ngăn chặn mụn mủ lan rộng, tăng khả năng phục hồi da và từ đó hạn chế sẹo thâm trên da.
Một số gợi ý dành cho bạn gồm:
5.1 Chú ý đến việc vệ sinh da sạch sẽ
Vùng da bị mụn mủ cần được vệ sinh sạch sẽ mỗi ngày. Bạn nên sử dụng nước muối sinh lý và dung dịch sát khuẩn nhẹ để làm sạch bề mặt da. Thao tác rửa nhẹ nhàng để tránh da bị tổn thương. Tuy nhiên, không nên lau rửa tổn thương quá nhiều bởi nó có thể khiến da kích ứng và làm mụn nặng hơn.
5.2 Tránh kích ứng da
Tránh xa các sản phẩm có thể gây kích ứng da, bao gồm sản phẩm chăm sóc da hàng ngày, mỹ phẩm trang điểm hoặc cả các thực phẩm có khả năng gây kích ứng. Bạn có thể chườm lạnh tại chỗ để làm dịu tổn thương mụn mủ, tạo cảm giác dễ chịu hơn.
5.3 Không được nặn mụn mủ
Khi da bị nổi mụn mủ mà chưa rõ nguyên nhân bạn sẽ không được chạm, nặn hoặc bóp mụn mủ. Điều này có thể khiến tình trạng tệ hơn và dẫn đến nhiễm trùng hoặc sẹo. Nặn mụn mủ sẽ được thực hiện tại các cơ sở y tế chuyên khoa để loại bỏ hoàn toàn nhân mụn và tránh cho mụn tái phát.
5.4 Điều trị tại chỗ với thuốc bôi
Áp dụng phương pháp điều trị không kê đơn như kem dưỡng da calamine , kem cortisone, axit salicylic hoặc gel benzoyl peroxide… có thể kiểm soát sự phát triển của mụn và ngăn ngừa viêm da. Tuy nhiên bạn vẫn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để lựa chọn được sản phẩm bôi thoa phù hợp, giúp nâng cao hiệu quả điều trị tại nhà.

6. Khi nào bạn cần thăm khám bác sĩ chuyên khoa
Nếu bạn nhận thấy số lượng mụn mủ nhiều hơn, mụn lan rộng và bị đau nhức nhiều hơn thì hãy cẩn trọng. Thăm khám sớm nếu mụn mủ của bạn không thuyên giảm sau vài tuần hoặc nếu bạn thường xuyên bị bùng phát nghiêm trọng.
Ngoài ra, hãy đi khám nếu như tình trạng mụn mủ bùng phát không kiểm soát hoặc có thêm các triệu chứng bệnh khác, như sốt. Lúc này, các điều trị y tế sẽ được áp dụng theo sự chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
Những điều trị phổ biến cho mụn mủ gồm:
- Kem, thuốc mỡ, gel kháng sinh dạng bôi.
- Thuốc kháng sinh dạng viên uống.
- Kem chống nấm, dầu gội hoặc thuốc viên.
- Kem steroid hoặc tiêm steroid.
- Thuốc điều trị nội tiết hoặc thuốc tránh thai.
- Thuốc uống chuyên điều trị mụn trứng cá iso.
- Kem bôi có chứa azelaic hoặc axit salicylic theo toa
Điều trị mụn trứng cá mủ cần kiên trì và phải tuân thủ quy trình. Việc nóng vội trong điều trị có thể gây tổn thương da và khiến cho mụn tái phát nhanh chóng.
7. Phòng tránh sự tái phát của mụn mủ
Ngoài ra sau khi kết thúc đợt điều trị bệnh nhân cũng cần thực hiện tốt các điều trị duy trì. Hãy kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ để ngăn chặn sự xuất hiện trở lại của mụn mủ.
Một số gợi ý dành cho bạn gồm:
7.1 Không cho tuyến bã nhờn hoạt động quá mức
Bã nhờn có vai trò giữ ẩm tự nhiên cho da. Tuy nhiên, khi tuyến bã nhờn hoạt động mạnh, lượng dầu dư thừa kết hợp với tế bào chết và vi khuẩn sẽ gây tắc nghẽn lỗ chân lông, dẫn đến hình thành mụn, đặc biệt là mụn viêm mủ. Do đó chúng ta cần kiểm soát hoạt động tăng tiết bã nhờn của da bằng những cách sau:
- Dưỡng ẩm cho da một cách khoa học
- Uống nhiều nước hơn mỗi ngày
- Tránh căng thẳng, stress quá mức
7.2 Tẩy tế bào chết định kỳ
Khi tế bào chết không được làm sạch, chúng sẽ tích tụ cùng bụi bẩn và dầu thừa, gây tắc nghẽn và viêm nhiễm nang lông, tạo điều kiện hình thành mụn mủ.
Do đó, chúng ta cần có thói quen tẩy tế bào chết cho da hàng tuần. Hoặc có thể thực hiện peel da để giúp làm sạch tế bào chết và tái tạo da nhanh chóng hơn.

7.3 Kiểm soát hoạt động củ vi khuẩn P. acnes
Vi khuẩn Propionibacterium acnes (P. acnes) vốn tồn tại tự nhiên trên da. Tuy nhiên, khi gặp môi trường thuận lợi chúng sẽ gia tăng về số lượng. Do đó, muốn ngăn chặn mụn mủ bạn sẽ cần làm tốt những gợi ý sau:
- Giữ vệ sinh sạch sẽ cho da bằng cách rửa mặt, tẩy trang kỹ càng nhằm hạn chế bít tắc nang lông.
- Tránh dùng tay chạm vào mặt để hạn chế vi khuẩn từ tay lan sang da. Không nặn mụn tại nhà nếu không thực sự cần thiết.
- Hạn chế ăn đồ ăn nhiều dầu mỡ bởi nó sẽ khiến da tăng tiết nhờn và tạo môi trường cho vi khuẩn sinh sôi nhanh hơn.
- Giặt vỏ gối, khẩu trang, khăn mặt thường xuyên để hạn chế tích tụ vi khuẩn tiếp xúc với da.
7.4 Luôn đảm bảo chế độ ăn uống lành mạnh
Thiếu chất dinh dưỡng, ăn uống mất cân bằng làm suy giảm hệ miễn dịch của da. Từ đó khiến cho mụn trứng cá có cơ hội hình thành. Do đó, bạn cần thay đổi chế độ ăn uống khoa học để kiểm soát và ngăn ngừa mụn mủ tái phát.
- Hạn chế tiêu thụ thực phẩm cay nóng, dầu mỡ, đường, sữa động vật, đồ ngọt và cả rượu bia khi da nổi mụn.
- Nên ăn nhiều rau xanh, hoa quả tươi mát, uống nhiều nước và bổ sung thực phẩm chức năng tốt cho da mụn để kiểm soát hiệu quả.
7.5 Đi ngủ sớm và sâu giấc
Ngủ không đủ giấc ảnh hưởng đến quá trình tái tạo da và điều hòa nội tiết, khiến hàng rào bảo vệ da suy yếu, từ đó da dễ bị vi khuẩn tấn công và nổi mụn mủ. Do đó, bạn hãy đi ngủ sớm hơn, ngủ trước 10h và ngủ sâu giấc để mụn trứng cá có thể cải thiện tự nhiên nhất...
7.6 Cải thiện nội tiết tố
Thay đổi nội tiết tố trong giai đoạn dậy thì, kinh nguyệt, mang thai, sau sinh hoặc tiền mãn kinh đều có thể kích thích tuyến dầu hoạt động mạnh. Và đây là điều kiện để mụn tái phát do nó làm tăng nguy cơ bít tắc nang lông. Do đó, bệnh nhân cần áp dụng các biện pháp điều trị nội tiết để cải thiện mụn hiệu quả nhất.

7.7 Không sử dụng mỹ phẩm kém chất lượng
Mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, chứa thành phần gây kích ứng hoặc bào mòn da làm da yếu và dễ tổn thương. Do đó, bạn cần sử dụng mỹ phẩm có chất lượng, có thành phần lành tính để không gây ảnh hưởng đến da.
Ngoài ra, cũng nên hạn chế trang điểm, tối giản các lớp trang điểm. Thường xuyên vệ sinh dụng cụ trang điểm để tránh mụn mủ xuất hiện trở lại và nghiêm trọng hơn.
Mụn mủ được đánh giá là nguy hiểm nhưng chúng ta vẫn có thể chủ động phòng tránh và điều trị. Do đó, nếu da của bạn đang bị mụn mủ “hỏi thăm” thì hãy đến cơ sở y tế chuyên khoa để được hỗ trợ từ bác sĩ sớm nhé.
- Acne – Diagnosis and treatment – Mayo Clinic. (2022, October 8). https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/acne/diagnosis-treatment/drc-20368048
Bài viết tham khảo
-
Mụn trứng cá do nội tiết và phương pháp điều trị hiệu quả
-
Mụn trứng cá do căng thẳng và cách kiểm soát hiệu quả
-
Mụn trứng cá viêm và những điều bạn cần biết
-
Mụn trứng cá: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
-
Retinol trị mụn trứng cá: Công dụng, cách dùng và lưu ý quan trọng
-
Đi khám mụn trứng cá ở đâu tốt