Mụn nấm men là gì? Nguyên nhân và cách điều trị hiệu quả
Kiến thức da đẹp

Mụn nấm men là gì? Nguyên nhân và cách điều trị hiệu quả

Không phải mọi loại mụn đều do vi khuẩn gây ra. Mụn nấm men thường bị nhầm lẫn với mụn trứng cá do có hình thái tương tự. Nếu điều trị sai cách, mụn không những không khỏi mà còn lan rộng và kéo dài dai dẳng. Nhận diện đúng mụn nấm men là bước đầu quan trọng để xử lý triệt để và ngăn tái phát.
Bác sĩ Nguyễn Thị Hoài Thu
Bác sĩ Nguyễn Thị Hoài Thu
Đã kiểm duyệt nội dung

1. Mụn nấm men là gì? 

Mụn nấm men, hay tên khoa học là Malassezia folliculitis, là một dạng viêm nang lông do sự phát triển quá mức của nấm Malassezia. Trong đó Malassezia là một loại nấm sống tự nhiên trên da.

Không giống như mụn trứng cá do vi khuẩn Propionibacterium acnes gây ra, mụn nấm men liên quan đến hệ vi sinh vật nấm và thường xuất hiện ở những vùng da tiết dầu nhiều. Cũng chính vì điều này mà nó rất dễ bị bỏ qua, đặc biệt ở những người da dầu, thường xuyên ra mồ hôi hoặc đang điều trị mụn bằng thuốc kháng sinh dài hạn.

Hình ảnh da bị mụn nấm men
Hình ảnh da bị mụn nấm men

2. Nguyên nhân gây mụn nấm men

Mụn nấm men không phải xuất hiện ngẫu nhiên. Nó thường là kết quả của sự thay đổi nhỏ trong sinh hoạt hoặc môi trường. Dưới đây là những hoàn cảnh dễ khiến mụn nấm men bùng phát:

  • Sau kỳ nghỉ biển dài ngày với khí hậu nóng ẩm.
  • Khi tập gym hoặc vận động nhiều mà không tắm rửa kịp thời.
  • Dùng kháng sinh trị mụn dài ngày khiến hệ vi sinh da mất cân bằng.
  • Sử dụng mỹ phẩm dày, có gốc dầu hoặc kem chống nắng bí da.
  • Lạm dụng corticoid (trong kem trộn, thuốc bôi da không rõ nguồn gốc).

Những tình huống này có điểm chung: làm thay đổi môi trường bề mặt da, tạo điều kiện cho Malassezia sinh sôi quá mức và xâm nhập các nang lông.

3. Phân biệt mụn trứng cá và mụn nấm men

Đây là phần quan trọng nhất vì rất nhiều người điều trị sai hướng do thường nhầm lẫn với mụn trứng cá. Dưới đây là những dấu hiệu phân biệt chính:

Đặc điểm

Mụn trứng cá

Mụn nấm men

Hình dạng

Mụn đầu trắng, đầu đen, mụn viêm có mủ lớn

Mụn nhỏ, đồng đều, mọc thành cụm

Cảm giác

Có thể đau, ít khi ngứa

Thường ngứa, rát nhẹ

Vị trí

Nhiều vị trí nhưng phổ biến nhất là mặt (trán, má, cằm)

Phổ biến ở trán, lưng, ngực, vai

Đáp ứng thuốc trị mụn

Cải thiện với benzoyl peroxide, retinoid

Không hiệu quả, có thể nặng hơn

Yếu tố khởi phát

Nội tiết, dầu thừa, tắc nghẽn lỗ chân lông

Mồ hôi, ẩm ướt, kháng sinh

Nếu bạn đang dùng thuốc trị mụn mà thấy tình trạng không thuyên giảm, thậm chí mụn lan rộng hơn sau vài tuần, hãy nghĩ đến mụn nấm men.

Mụn nấm men ở cằm
Hình ảnh mụn nấm men ở cằm

4. Sai lầm phổ biến khiến mụn nấm men dai dẳng

Rất nhiều người dù đã cố gắng điều trị vẫn không khỏi mụn vì mắc những lỗi sau:

  • Tiếp tục dùng kháng sinh trị mụn: Việc này diệt vi khuẩn có lợi và làm nấm Malassezia sinh sôi mạnh hơn.
  • Dùng kem chống nắng hoặc kem dưỡng gốc dầu: Các sản phẩm chứa thành phần gốc dầu như dầu dừa dễ gây bít tắc và kích thích nấm phát triển.
  • Không vệ sinh da đúng cách sau khi đổ mồ hôi: Mồ hôi tạo môi trường ẩm - thứ mà nấm men cực kỳ yêu thích.
  • Tự ý dùng corticoid bôi da: Corticoid có thể làm mụn tạm thời giảm nhưng sẽ khiến nấm phát triển mạnh khi ngưng thuốc.

5. Cách trị mụn nấm men

Việc điều trị mụn nấm men hiệu quả không chỉ dừng lại ở việc bôi thuốc mà cần phối hợp giữa can thiệp y học, thay đổi thói quen chăm sóc da và điều chỉnh lối sống. Dưới đây là các hướng điều trị và kiểm soát mụn nấm men khoa học:

5.1. Điều trị kháng nấm là nền tảng cốt lõi

Do căn nguyên chính của mụn nấm men là sự phát triển quá mức của nấm Malassezia, nên điều trị phải hướng đến ức chế hoặc tiêu diệt nấm men. Phác đồ thường được bác sĩ da liễu sử dụng bao gồm cả thuốc bôi và thuốc uống. Bao gồm: thuốc bôi kháng nấm, thuốc uống kháng nấm, dầu gội chứa hoạt chất kháng nấm.

5.2. Điều chỉnh quy trình chăm sóc da

Ngoài điều trị bằng thuốc, việc điều chỉnh chăm sóc da hằng ngày sao cho phù hợp với làn da dễ nhiễm nấm là điều bắt buộc. Việc này giúp duy trì kết quả điều trị và ngăn ngừa tái phát.

  • Làm sạch da đúng cách: Sử dụng sữa rửa mặt dịu nhẹ, có độ pH cân bằng và không chứa sulfate mạnh. Da nên được rửa sạch sau khi đổ mồ hôi hoặc vận động, tránh để mồ hôi đọng lâu trên da.
  • Tránh sản phẩm chứa thành phần gây bít tắc: Cần đọc kỹ bảng thành phần của kem dưỡng, kem chống nắng và trang điểm. Tránh các thành phần gây bít tắc cho da như dừa, bơ… Ưu tiên mỹ phẩm không chứa dầu (oil-free) và không gây bít tắc lỗ chân lông.
Chăm sóc da khoa học giúp cải thiện mụn nấm men hiệu quả
Chăm sóc da khoa học giúp cải thiện mụn nấm men hiệu quả

5.3. Lối sống để hạn chế mụn nấm men

Lối sống và sinh hoạt hàng ngày có thể ảnh hưởng mạnh mẽ đến môi trường vi sinh trên da. Việc xây dựng một môi trường khô thoáng, sạch sẽ giúp ức chế sự phát triển quá mức của nấm Malassezia.

  • Tắm rửa ngay sau khi vận động hoặc ra mồ hôi: Việc để mồ hôi và dầu trên da quá lâu sẽ tạo điều kiện cho nấm sinh sôi. Hãy ưu tiên mặc đồ thấm hút tốt khi vận động.
  • Không mặc quần áo ẩm ướt quá lâu, đặc biệt là đồ thể thao hoặc đồ bơi.
  • Giặt ga gối và khăn mặt thường xuyên để tránh tích tụ tế bào chết, dầu thừa và vi sinh vật, có thể khiến tình trạng mụn nặng hơn nếu không được vệ sinh định kỳ.
  • Tránh lạm dụng corticoid gây ức chế miễn dịch tại chỗ, tạo điều kiện thuận lợi cho nấm phát triển mạnh mẽ.

5.4. Chế độ ăn uống hợp lý

Chế độ dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát sự mất cân bằng hệ vi sinh trên da và đường ruột - nơi liên quan đến tình trạng viêm da.

  • Giảm đường và tinh bột tinh chế: Các loại thực phẩm giàu đường đơn có thể thúc đẩy quá trình lên men và tăng lượng nấm trong cơ thể.
  • Tăng cường thực phẩm lên men tự nhiên như sữa chua không đường, kim chi, kefir để bổ sung lợi khuẩn giúp ức chế nấm men.
  • Tăng cường các thực phẩm có đặc tính kháng nấm: Tỏi, gừng, nghệ có thể giúp ức chế nấm từ bên trong.

6. Mụn nấm men có tái phát không?

Câu trả lời là có, nếu bạn quay lại lối sống cũ hoặc không duy trì chăm sóc da hợp lý. Vì Malassezia luôn tồn tại trên da, chỉ cần môi trường thuận lợi là nấm có thể bùng phát trở lại. Vì vậy:

  • Vệ sinh da kỹ sau khi ra mồ hôi.
  • Hạn chế dùng mỹ phẩm gây bít tắc lỗ chân lông.
  • Luôn theo dõi da sau mỗi đợt điều trị mụn kéo dài bằng kháng sinh.
  • Dùng dầu gội chống nấm định kỳ nếu từng bị mụn nấm men nhiều lần.
Thăm khám nếu thấy mụn lan rộng và kéo dài dai dẳng
Thăm khám nếu thấy mụn lan rộng và kéo dài dai dẳng

7. Mụn nấm men có lây không?

Mụn nấm men không lây từ người này sang người khác, vì đây là nấm có sẵn trên da mỗi người. Tuy nhiên, trong một số trường hợp suy giảm miễn dịch (như HIV/AIDS, hóa trị), nấm có thể lan rộng và trở nên nghiêm trọng hơn. Với người bình thường, mụn nấm men không gây ảnh hướng đến sức khỏe mà chủ yếu ảnh hưởng về mặt thẩm mỹ và tâm lý.

Mụn nấm men là một vấn đề da liễu đặc biệt, thường bị nhầm lẫn với mụn trứng cá và điều trị sai cách. Hiểu rõ bản chất, các yếu tố kích hoạt và giải pháp toàn diện là chìa khóa để giải quyết tình trạng này dứt điểm. Nếu bạn nghi ngờ mình bị mụn nấm men, đừng ngần ngại đến bác sĩ da liễu để được chẩn đoán chính xác và lên phác đồ điều trị đúng hướng.

Chú ý: Nội dung bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi áp dụng bất kỳ phương pháp nào. Xem thêm
Tài liệu tham khảo
Cập nhật lần cuối: 19/05/2025
Thông tin này có hữu ích cho bạn không?
Chia sẻ bài viết