Mụn thâm tụ máu thường xảy ra sau khi nặn mụn sai cách hoặc do va đập mạnh khiến mao mạch dưới da bị vỡ. Nhiều người thắc mắc mụn thâm tụ máu có tự hết không và nếu có thì trong bao lâu? Bài viết này sẽ giúp bạn giải đáp chi tiết và cách chăm sóc tại nhà hiệu quả để mụn nhanh lành, da phục hồi đều màu.
1. Mụn thâm tụ máu là gì?
Mụn thâm tụ máu là các tổn thương mụn bị thâm và có máu đọng ở dưới vùng da tổn thương. Mụn thâm tụ máu thường liên quan mật thiết đến việc chúng ta điều trị các vấn đề da liễu không dứt khoát. Đó có thể là do nặn mụn nhọt, xử lý mụn đinh râu hoặc bã đậu không đúng cách. Phổ biến nhất là mụn thâm tụ máu hình thành do nặn mụn trứng cá.
Mụn thâm tụ máu xảy ra thường do tác động ngoại lực lên trên tổn thương mụn và bề mặt da. Lúc này, các mạch máu sẽ bị tổn thương, bị vỡ và máu sẽ tụ lại gây ra tình trạng bầm tím. Việc không chăm sóc da khoa học khi bị mụn sẽ làm tăng nguy cơ viêm nhiễm và khiến cho tình trạng da tồi tệ hơn.

2. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng mụn thâm tụ máu:
- Các loại mụn trứng cá viêm như mụn bọc, mụn mủ, mụn nang, mụn mạch lươn…
- Nặn mụn trứng cá không đúng cách, tác động lực mạnh gây tổn thương da.
- Tình trạng da quá nhạy cảm cũng dễ gặp tình trạng mụn thâm tụ máu.
- Điều trị mụn không đến nơi đến chốn khiến cho mụn tái phát liên tục.
- Chăm sóc và phục hồi sau mụn không đúng làm cho mụn xuất hiện trở lại…
3. Mụn thâm tụ máu có tự hết không?
Câu hỏi “mụn thâm tụ máu có tự hết không” là một trong những thắc mắc phổ biến nhất khi gặp tình trạng mụn thâm, đặc biệt là sau khi nặn mụn hoặc bị va chạm mạnh vào da. Câu trả lời là CÓ, nhưng quá trình hồi phục còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có mức độ tổn thương và cách chăm sóc.
-
Trường hợp mụn thâm tụ máu nhẹ
Khi mụn thâm tụ máu chỉ ở mức độ nhẹ (ví dụ như sau khi nặn mụn không đúng cách gây bầm tím nhẹ dưới da), máu tụ thường chỉ nằm ở lớp biểu bì hoặc trung bì nông.
Trong trường hợp này, vết thâm da và máu tụ có thể mờ dần và biến mất hoàn toàn sau khoảng 7 - 14 ngày. Cơ thể tự tái hấp thu lượng máu tụ, đồng thời sản sinh collagen và elastin để thay thế vùng da tổn thương.
Tuy nhiên, nếu không che chắn cẩn thận khi ra nắng hoặc liên tục tác động lên vùng da bị thâm, thời gian phục hồi có thể kéo dài hoặc để lại vết thâm đậm màu hơn.
-
Trường hợp mụn thâm tụ máu nặng
Nếu tổn thương sâu, hoặc khi nặn mụn quá mạnh gây vỡ mạch máu nhiều, lượng máu tụ lớn và ở tầng sâu dưới da, tình trạng thâm có thể kéo dài hơn bình thường.
Thời gian hồi phục có thể mất từ 3 đến 6 tuần, thậm chí vài tháng nếu không có sự can thiệp điều trị. Dễ hình thành sẹo thâm hoặc sẹo lõm nếu không được xử lý đúng cách.
Tình trạng tổn thương trên da mặt của bệnh nhân nam gây mất thẩm mỹ
4. Các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng hồi phục của mụn thâm tụ máu
Tiếp theo, ta cần xét đến các yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến quá trình, thời gian phục hồi dưới đây:
-
Cơ địa và khả năng tái tạo da
Những người có cơ địa tuần hoàn máu tốt và tốc độ tái tạo tế bào nhanh thường phục hồi vết thâm nhanh hơn. Ngược lại, người có cơ địa dễ bầm tím, mắc bệnh về máu hoặc chức năng gan kém, sẽ mất nhiều thời gian để vết máu tụ tan đi.
-
Chế độ sinh hoạt và dinh dưỡng
Một chế độ ăn uống, nghỉ ngơi khoa học sẽ giúp hỗ trợ quá trình làm mờ mụn thâm tụ máu:
- Thực phẩm nên bổ sung: Rau xanh, trái cây giàu vitamin C (cam, bưởi, ổi), thực phẩm chứa vitamin K (bông cải xanh, cải bó xôi) giúp phục hồi tổn thương mạch máu.
- Thói quen cần tránh: Uống rượu bia, hút thuốc lá, thức khuya khiến khả năng tuần hoàn và phục hồi da bị chậm lại.
5. Hướng điều trị mụn thâm tụ máu hiệu quả
Khi đã bị mụn thâm tụ máu, việc điều trị đúng cách là yếu tố then chốt giúp cải thiện thẩm mỹ và phục hồi da nhanh chóng. Dưới đây là các phương pháp điều trị từ cơ bản đến chuyên sâu và dựa trên khuyến nghị bởi các chuyên gia da liễu:
-
Chườm lạnh tại nhà
Đối với vết thâm tụ máu mức độ nhẹ, mới hình thành và không có dấu hiệu nhiễm trùng, bạn có thể áp dụng biện pháp chườm lạnh. Chườm lạnh áp dụng trong vòng 24 giờ đầu sau khi bị thâm để làm giảm tình trạng tụ máu và viêm. Dùng khăn bọc đá lạnh và chườm lên vùng da 5 - 10 phút mỗi lần.
Các biện pháp này cần duy trì từ 3 - 5 ngày để thấy hiệu quả. Tuy nhiên không áp dụng cho vết thâm tụ máu nặng, da có vết thương hở hoặc nhiễm trùng. Cũng không chườm lạnh trực tiếp với đá bởi có thể gây ra tình trạng bỏng lạnh.
Chườm lạnh có thể giúp làm dịu tổn thương, ngăn ngừa và cải thiện mụn thâm và tụ máu dưới da
-
Sử dụng kem hoặc serum làm mờ thâm chuyên biệt
Nếu vết thâm không mờ đi sau 3 - 4 tuần, bạn nên sử dụng các sản phẩm đặc trị, các hoạt chất như:
- Vitamin C: Làm sáng da, chống oxy hóa, tái tạo vùng tổn thương.
- Niacinamide: Làm đều màu da, hạn chế hình thành melanin gây thâm.
- Retinoid (nồng độ nhẹ): Kích thích tăng sinh tế bào mới, mờ vết thâm nhanh chóng.
- Arbutin hoặc Azelaic Acid: Làm sáng da an toàn, phù hợp với da nhạy cảm.
Lưu ý: Nên bắt đầu với nồng độ thấp, thử trên một vùng da nhỏ trước khi dùng toàn mặt để tránh kích ứng. Luôn tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa về việc sử dụng sản phẩm điều trị mụn thâm tụ máu nếu như bạn đang trong quá trình điều trị da liễu hoặc các vấn đề sức khỏe khác để tránh tác dụng phụ xảy ra.
-
Trị liệu chuyên sâu tại cơ sở da liễu
Khi tình trạng mụn thâm tụ máu kéo dài nhiều tuần hoặc không cải thiện bằng các biện pháp thông thường, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ da liễu và có thể được chỉ định:
- Lăn kim/phi kim: Tạo vi tổn thương nhỏ trên da để kích thích sản sinh collagen và tái tạo da mới. Phương pháp này cũng sẽ giúp da hấp thụ tối đa các dưỡng chất nên da sẽ phục hồi tốt hơn. Giúp làm mờ vết thâm, cải thiện tình trạng tụ máu của da và làm mờ sẹo hiệu quả.
- Laser trị thâm: Sử dụng công nghệ laser (ví dụ như Nd:YAG, laser toning) để phá vỡ sắc tố melanin và thúc đẩy tái tạo da. Hiệu quả nhanh hơn nhưng cần điều trị theo liệu trình và có chi phí cao hơn.
- Điện di tinh chất: Dùng dòng điện nhẹ để đưa serum chứa vitamin C, arbutin hoặc peptide vào sâu trong da, giúp tăng hiệu quả điều trị mụn thâm tụ máu. Đồng thời giúp làm dịu tổn thương da và cấp ẩm cho da một cách hiệu quả.
-
Duy trì chế độ phục hồi da sau điều trị
Sau khi điều trị, bạn cần chú trọng đến bước phục hồi để tránh tình trạng thâm tái phát hoặc da bị tổn thương thêm:
- Chống nắng kỹ lưỡng: Dùng kem chống nắng phổ rộng (SPF 50+), tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời vì tia UV có thể làm thâm đậm màu hơn.
- Không tự ý nặn, bóc vảy da non: Điều này khiến vết thâm dễ lan rộng, hình thành sẹo thâm hoặc sẹo lõm. Vậy nên không nên tự ý nặn mụn hoặc tác động ngoại lực lên tổn thương mụn.
- Không sử dụng rượu bia: Rượu bia có thể làm tăng nguy cơ tụ máu, bầm tím và thâm da. Do đó, nếu bị mụn thâm tụ máu bạn nên kiêng sử dụng thức uống này.
Điện tinh tinh chất sau nặn mụn cũng sẽ giúp làm dịu da và ngăn ngừa hình thành mụn thâm tụ máu
6. Cách phòng tránh mụn thâm tụ máu
Mặc dù mụn thâm tụ máu có thể tự hết hoặc có thể điều trị, nhưng tốt nhất là bạn nên áp dụng các biện pháp phòng ngừa để không rơi vào tình trạng này, nhất là với làn da nhạy cảm hoặc dễ bị thâm. Một số những việc bạn nên làm gồm:
-
Không nặn mụn tại nhà khi chưa hiểu rõ kỹ thuật
Mụn nếu chưa chín, việc nặn sẽ dễ gây vỡ mao mạch và tạo vết thâm tụ máu dưới da. Thay vì tự xử lý, nên đến cơ sở da liễu uy tín để được nặn mụn chuẩn y khoa.
-
Hạn chế va đập vùng mặt
Khi chơi thể thao, vận động mạnh, nên mang đồ bảo hộ hoặc giữ gìn vùng mặt tránh va đập gây vỡ mạch máu dưới da. Bằng cách này bạn sẽ không phải lo lắng với câu hỏi mụn thâm tụ máu có tự hết không?
-
Tăng cường sức khỏe làn da
Bảo vệ da trước ánh nắng bằng kem chống nắng phổ rộng giúp tăng cường sức khỏe làn da. Đồng thời, bạn nên tẩy tế bào chết định kỳ 1 - 2 lần/tuần bằng sản phẩm dịu nhẹ để làm sạch lỗ chân lông và giảm nguy cơ mụn viêm.
-
Luôn giữ da sạch và cân bằng
Chú ý rửa mặt 2 lần mỗi ngày với sữa rửa mặt phù hợp. Ngoài ra, bạn nên dưỡng ẩm thường xuyên để da khỏe, tăng sức đề kháng và hạn chế tổn thương.
7. Trường hợp cần gặp bác sĩ để kiểm tra tình trạng mụn thâm tụ máu
Bạn nên đến gặp bác sĩ da liễu để kiểm tra và có hướng xử lý kịp thời trong các trường hợp sau:
- Tổn thương da không mờ sau 4 tuần.
- Có biểu hiện đau nhức tăng dần, mưng mủ hoặc sưng to.
- Kèm theo các triệu chứng bất thường khác như sốt, nổi hạch.
- Nổi mụn thâm tụ máu không rõ nguyên nhân.
- Tổn thương lớn, gây ảnh hưởng đến thẩm mỹ và cuộc sống.
- Bạn muốn biết chính xác về nguyên nhân gây mụn thâm tụ máu và muốn kiểm soát chúng một cách nhanh chóng…
Tổng kết lại, câu trả lời cho câu hỏi "mụn thâm tụ máu có tự hết không?" thì câu trả lời là có. Việc chăm sóc đúng cách không chỉ giúp làm mờ vết thâm nhanh chóng mà còn phòng tránh được các biến chứng như sẹo hay mụn tái phát. Hãy bảo vệ làn da của bạn bằng những thói quen lành mạnh và thông minh.