Viêm da đầu là gì? Cảnh báo rụng tóc vĩnh viễn và cách xử lý hiệu quả
Kiến thức da đẹp

Viêm da đầu là gì? Cảnh báo rụng tóc vĩnh viễn và cách xử lý hiệu quả

"Viêm da đầu” là một thuật ngữ chung chỉ tình trạng da đầu bị viêm, ngứa và thường là biểu hiện của nhiều bệnh lý khác nhau. Trong nhiều trường hợp, viêm da đầu thường là kết quả của viêm da tiết bã vùng đầu. Viêm da đầu có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, từ trẻ sơ sinh đến người lớn.
Bác sĩ Chuyên khoa I Trần Cương
Bác sĩ Chuyên khoa I Trần Cương
Đã kiểm duyệt nội dung

1. Viêm da đầu và những dấu hiệu cần biết

1.1. Dấu hiệu phổ biến của viêm da đầu

Viêm da vùng đầu, đặc biệt là viêm da tiết bã vùng đầu, có thể gây ra nhiều triệu chứng khó chịu khác nhau. Các dấu hiệu nhận biết phổ biến bao gồm:

  • Da bong tróc hoặc gàu: Đây là triệu chứng cơ bản và thường gặp nhất. Các vảy da này thường có màu trắng, mỏng, khi gãi có thể bong ra, lẫn vào tóc rơi xuống cổ và vai.
  • Các mảng vảy trắng hoặc vàng, bong tróc trên nền da nhờn hoặc da đầu. Trong một số trường hợp có thể trở nên đỏ do viêm (ban đỏ).
  • Ngứa hoặc nóng rát: Cảm giác ngứa thường rất khó chịu. Việc gãi có thể làm bệnh tiến triển nặng hơn, thậm chí gây rách da, dẫn đến chảy máu hoặc nhiễm trùng nhẹ.
  • Tình trạng có thể lan rộng ra các vùng lân cận như sau tai, trán và lông mày.
  • Mụn nhỏ, mụn mủ, vết loét: Ở một số trường hợp, đặc biệt với viêm nang tóc hoặc nấm da đầu, da đầu có thể xuất hiện mụn nhỏ, mụn mủ, hoặc vết loét.
  • Da đầu có mùi lạ: Da đầu bị viêm, đặc biệt khi kết hợp với tăng tiết bã nhờn hoặc nhiễm trùng, có thể gây ra mùi khó chịu.
  • Vết nứt, chảy dịch/mủ: Ở các trường hợp nặng, da đầu có thể xuất hiện các vết nứt, chảy dịch trong hoặc mủ.
  • Ngoài ra viêm da tiết bã trên da đầu được gọi là "cứt trâu" ở trẻ sơ sinh. Cứt trâu thường biểu hiện bằng những mảng vảy vàng, đóng vảy trên đầu. Khác với ở người lớn, cứt trâu thường không gây ngứa.

Các bệnh viêm da đầu thường một tình trạng mãn tính, có thể xuất hiện, biến mất khi điều trị và tái phát theo thời gian, xuất hiện ở mọi lứa tuổi.

Điều quan trọng là cần phân biệt loại viêm da đầu xem nguyên nhân gây viêm là gì để có hướng điều trị phù hợp. Nếu bạn thấy vùng da đầu có vấn đề hay các triệu chứng bất thường, thăm khám với bác sĩ chuyên khoa da liễu là cần thiết.

1. 2. Viêm da đầu và viêm da tiết bã vùng đầu có giống nhau không?

Đây là một câu hỏi quan trọng để giúp bạn đọc đỡ băn khoăn và bối rối trước khi tìm hiểu thêm nhiều thông tin chuyên sâu khác. Chúng tôi làm rõ hai khái niệm này như sau:

  • Viêm da đầu: là một thuật ngữ rộng, chỉ bất kỳ tình trạng viêm nhiễm nào xảy ra trên da đầu.
  • Viêm da tiết bã vùng đầu: 
    • Là một dạng cụ thể của bệnh chàm, không lây nhiễm
    • Ngoài da đầu, viêm da tiết bã cũng có thể xuất hiện ở mặt (mí mắt, hai bên mũi, lông mày, gần tai), ngực, bẹn, vùng râu, và các nếp gấp da khác.

Do viêm da tiết bã vùng đầu là nguyên nhân phổ biến dẫn đến tình trạng viêm da đầu vậy nên nội dung bên dưới sẽ tập trung nhiều vào mặt bệnh này bên cạnh các mặt bệnh khác.

Hình ảnh viêm da tiết bã vùng đầu

Hình ảnh viêm da tiết bã vùng đầu (Ảnh: Advanced Dermatology of the Midlands

2. Nguyên nhân gây viêm da đầu

Như đã nói ở trên, viêm da vùng đầu không phải là một bệnh cụ thể mà là biểu hiện của nhiều tình trạng da liễu khác nhau. Dưới đây là những nguyên nhân phổ biến nhất gây ra viêm da vùng đầu, đặc biệt là viêm da tiết bã:

  • Viêm da tiết bã (viêm da dầu): Cơ chế sinh bệnh của viêm da tiết bã nhờn khá phức tạp, bao gồm nhiều yếu tố.
  • Nấm men Malassezia: Nguyên nhân chính xác chưa được biết rõ, nhưng có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng đây là phản ứng viêm đối với sự phát triển quá mức của nấm Malassezia (hay còn gọi là pityrosporum). Loại nấm men này thường sống trên bề mặt da, nhưng khi chúng phát triển quá mức, hệ thống miễn dịch của cơ thể có thể phản ứng thái quá, dẫn đến tình trạng viêm.
  • Hoạt động tuyến bã nhờn: Viêm da tiết bã thường xuất hiện ở những vùng da có nhiều tuyến bã nhờn. Sự tăng sản xuất bã nhờn có thể tạo môi trường thuận lợi cho nấm Malassezia phát triển.
  • Bất thường miễn dịch: Bệnh có xu hướng phổ biến hơn ở những người có hệ miễn dịch suy yếu, ví dụ như người mắc HIV hoặc các bệnh thần kinh như Parkinson.
  • Yếu tố di truyền: Tiền sử gia đình có người mắc viêm da tiết bã hoặc các bệnh da liễu khác có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
  • Rối loạn hormone: Sự thay đổi nội tiết tố, đặc biệt là sự tăng hoặc giảm các hormone androgen, có thể ảnh hưởng đến sản xuất bã nhờn và làm tăng nguy cơ hoặc làm trầm trọng thêm tình trạng viêm da tiết bã.
  • Căng thẳng/ Stress: Căng thẳng là một trong những yếu tố phổ biến có thể gây ra hoặc làm trầm trọng thêm các đợt bùng phát viêm da tiết bã.
  • Sản phẩm chăm sóc tóc không phù hợp cũng có thể góp phần gây ra hoặc làm nặng thêm tình trạng viêm da đầu.

Ngoài viêm da tiết bã, một số bệnh lý khác cũng dẫn tới tình trạng viêm da đầu là:

  • Viêm nang tóc: Là tình trạng viêm tại vị trí chân tóc. Tình trạng này có thể gây ra mụn đỏ, sưng, đau, hoặc mụn mủ tại vị trí nang lông.
  • Nấm da đầu: Nấm có thể phát triển ở da đầu, nang tóc và vùng da xung quanh. Triệu chứng bao gồm sẩn ngứa, các mảng nhờn dày màu vàng hoặc trắng, mụn đỏ và rụng tóc.
  • Vảy nến da đầu: Vảy nến là bệnh tự miễn mạn tính, gây ra sự tăng sinh tế bào da quá mức, dẫn đến các mảng da dày, khô, bong vảy trên da đầu. Bệnh vảy nến đặc trưng bởi lớp vảy và ngứa ngáy da đầu.
  • Viêm da tiếp xúc: Viêm da tiếp xúc xảy ra khi da đầu tiếp xúc với chất gây kích ứng hoặc dị ứng, dẫn đến viêm, đỏ, và ngứa. Dấu hiệu thường thấy là đỏ da, ngứa, rát, và đôi khi có mụn nước nhỏ.
  • Yếu tố khác làm tăng nguy cơ viêm da đầu: Ngoài các bệnh lý trên, một số yếu tố khác có thể góp phần gây ra hoặc làm nặng thêm tình trạng viêm da đầu: như Yếu tố môi trường, thời tiết, thói quen chăm sóc da đầu, rối loạn nội tiết, bệnh lý nền,...

3. Viêm da đầu có nguy hiểm không?

Về bản chất, viêm da đầu là một bệnh lý ngoài da, không nguy hiểm hay đe dọa trực tiếp đến tính mạng. Tuy nhiên, những tình trạng này có thể làm giảm tự tin trong giao tiếp, gây khó chịu và tác động tiêu cực đến chất lượng cuộc sống. Điều trị kịp thời và đúng cách giúp kiểm soát bệnh, giảm nguy cơ biến chứng và cải thiện tâm lý tự tin hơn.

3.1. Viêm da đầu có gây rụng tóc không?

Viêm da đầu có thể gây rụng tóc, nhưng phần lớn là tạm thời. Hầu hết các bệnh lý viêm da đầu như viêm da tiết bã, nấm da đầu... đều có thể dẫn đến rụng tóc trong quá trình bệnh tiến triển. Nguyên nhân chủ yếu đến từ:

  • Tình trạng viêm nhiễm kéo dài khiến da đầu bị kích ứng, tổn thương
  • Người bệnh gãi quá nhiều, dẫn đến trầy xước và tổn thương nang tóc
  • Sự mất cân bằng bã nhờn và vi sinh trên da đầu, gây tắc nghẽn nang lông – làm tóc yếu và dễ gãy rụng

Trong các trường hợp này, khi nguyên nhân gây viêm được kiểm soát và điều trị đúng cách, tóc sẽ mọc trở lại theo chu kỳ tự nhiên sau vài tuần đến vài tháng.

Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp viêm nặng, gây sẹo thì nang tóc bị phá hủy vĩnh viễn, dẫn đến rụng tóc không hồi phục. 

Tình trạng tóc gãy rụng do viêm da đầu khiến nhiều người lo lắng
Tình trạng tóc gãy rụng do viêm da đầu khiến nhiều người lo lắng (Ảnh: Canva)

3.2. Viêm da đầu có lây không?

Giải đáp cho thắc mắc viêm da đầu có lây không thì câu trả lời tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh:

  • Viêm da đầu không lây trong các trường hợp rối loạn mang tính chất cơ địa, nội tiết hoặc do môi trường như: viêm da tiết bã, dị ứng, vảy nến.
  • Viêm da đầu có thể lây trong các trong các trường hợp nấm da đầu hoặc nhiễm trùng da đầu do vi khuẩn khi:
    • Tiếp xúc trực tiếp với vùng da nhiễm nấm/ vi khuẩn
    • Dùng chung lược, mũ, gối với người mắc bệnh
    • Tiếp xúc với động vật: Thú cưng (như mèo, chó) mang nấm.

Nếu bạn lo ngại về nguy cơ lây nhiễm hoặc có triệu chứng ngứa, bong tróc da, mụn mủ,... hãy thăm khám bác sĩ da liễu để xác định nguyên nhân và điều trị kịp thời.

4. Cách trị viêm da đầu tại nhà hiệu quả

Đối với các trường hợp viêm da đầu nhẹ, tái lại, bạn có thể tự chăm sóc tại nhà:

  • Lựa chọn dầu gội đặc trị:
    • Dầu gội đóng vai trò quan trọng trong việc loại bỏ bụi bẩn và bã nhờn trên da đầu.
    • Đối với viêm da đầu (đặc biệt là viêm da tiết bã), việc lựa chọn dầu gội có các thành phần điều trị (active ingredient) là rất cần thiết.
    • Lưu ý: Cần tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa da liễu, không tự ý sử dụng dầu gội đặc trị.
  • Chăm sóc cho trẻ sơ sinh bị cứt trâu: 
    • Cứt trâu thường tự khỏi khi trẻ được 8-12 tháng tuổi. Có thể điều trị hàng ngày bằng dầu gội dịu nhẹ dành cho trẻ em. Hoặc sử dụng chất làm mềm da như dầu dừa để nhẹ nhàng làm bong các vảy.
    • Không sử dụng sản phẩm dầu gội điều trị cho người lớn để điều trị cho trẻ.
    • Không cạy hoặc gãi mạnh các vảy trên da trẻ vì có thể gây viêm hoặc nhiễm trùng.
  • Tránh các sản phẩm kích ứng: Tránh sử dụng các sản phẩm tạo kiểu tóc, chất tẩy rửa mạnh,... đặc biệt nếu bạn có da đầu nhạy cảm. Một số thành phần như Sulphate (SLS/SLES), Paraben, Phthalates, và Silicones trong dầu gội có thể gây khô, kích ứng da đầu, hoặc tích tụ và làm trầm trọng thêm tình trạng viêm.
  • Kiểm soát căng thẳng: Hạn chế căng thẳng và đảm bảo ngủ đủ giấc vì những yếu tố này có thể làm trầm trọng các vấn đề về da, bao gồm cả viêm da tiết bã
  • Duy trì chế độ dinh dưỡng cân bằng, ưu tiên thực phẩm tươi, giàu vitamin và khoáng chất, đồng thời hạn chế tiêu thụ chất béo bão hòa và đường.
  • Tránh gãi: Việc gãi có thể làm tổn thương da đầu, khiến tình trạng viêm trở nên nặng hơn và tăng nguy cơ nhiễm trùng.

5. Khi nào viêm da đầu cần đi khám?

Mặc dù có thể tự điều trị tại nhà với các trường hợp nhẹ, nhưng trong nhiều tình huống, việc thăm khám bác sĩ da liễu là điều cần thiết để đảm bảo điều trị đúng cách và hiệu quả. 

Bạn nên đi khám bác sĩ nếu gặp phải một trong các tình huống sau:

  • Lần đầu tiên bị hoặc bắt gặp các dấu hiệu mới, bất thường: Bạn đọc nên chủ động thăm khám để phân loại bệnh và được bác sĩ tư vấn, giải thích tình trạng bệnh và tư vấn các sản phẩm/ thuốc/ dầu gội,... phù hợp.
  • Triệu chứng kéo dài hoặc nặng hơn: Nếu các triệu chứng không thuyên giảm sau hơn hai tuần tự điều trị, hoặc bệnh tái lại với các dấu hiệu nặng, nghiêm trọng hơn thì bạn cũng nên chủ động thăm khám.
  • Dấu hiệu nhiễm trùng: Vùng da bị viêm có dấu hiệu đau đớn, sưng tấy, hoặc chảy dịch,...
  • Triệu chứng lan rộng: Nếu các triệu chứng ban đầu chỉ ở da đầu nhưng sau đó lan rộng ra các vùng da khác trên cơ thể như sau tai, trán và lông mày,... thì bạn cũng nên chủ động thăm khám.

Bác sĩ da liễu sẽ thăm khám, thu thập thông tin về triệu chứng và tiền sử bệnh lý của bạn để đưa ra chẩn đoán chính xác.

Đối với các trường hợp từ trung bình đến nặng, bác sĩ có thể kê đơn các loại dầu gội hoặc thuốc bôi mạnh hơn hoặc các loại kem/thuốc uống chống nấm, thuốc ức chế, hay thậm chí các liệu pháp công nghệ cao.

Bác sĩ Da liễu tại Phòng khám Da liễu Thẩm mỹ Thái Hà nhận định: “Viêm da đầu, viêm da tiết bã vùng đầu là một tình trạng có thể được kiểm soát hiệu quả. Bằng cách hiểu rõ về bệnh, chăm sóc da đầu đúng cách và thăm khám kịp thời, bạn hoàn toàn có thể cải thiện tình trạng của mình và lấy lại sự thoải mái, tự tin.”

Bác sĩ thăm khám và tư vấn tại Phòng khám Da liễu Thẩm mỹ Thái Hà
Bác sĩ thăm khám và tư vấn tại Phòng khám Da liễu Thẩm mỹ Thái Hà  (Ảnh: PK Thái Hà)

6. Viêm da đầu có tái phát không? Phòng ngừa như thế nào?

Viêm da đầu, đặc biệt là viêm da tiết bã - viêm da dầu, có thể tái phát. Bệnh thường mang tính mãn tính, dễ quay lại khi gặp các yếu tố kích thích như:

  • Thay đổi thời tiết: Môi trường nóng ẩm hoặc hanh khô.
  • Căng thẳng: Stress tâm lý hoặc thể chất.
  • Chăm sóc da đầu không đúng cách: Sử dụng sản phẩm gây kích ứng hoặc không vệ sinh da đầu thường xuyên.
  • Rối loạn nội tiết hoặc miễn dịch: Tình trạng sức khỏe toàn thân suy giảm.

Để phòng tránh viêm da đầu tái phát, bạn cần chăm sóc toàn diện cả yếu tố chủ quan (liên quan đến cơ thể và thói quen cá nhân) lẫn yếu tố khách quan (môi trường bên ngoài). Dưới đây là một số lưu ý dành cho bạn:

  • Giữ vệ sinh da đầu đúng cách:
    • Sử dụng dầu gội đặc trị, gội 2-3 lần/tuần, theo hướng dẫn và chỉ định của bác sĩ.
    • Giữ da đầu sạch và khô thoáng, tránh để tóc ẩm lâu vì môi trường ẩm dễ kích thích nấm Malassezia phát triển.
    • Tránh dùng móng tay cào gãi da đầu để giảm kích ứng và tổn thương.
  • Chọn sản phẩm chăm sóc phù hợp: Sử dụng dầu gội và sản phẩm dưỡng tóc nhẹ nhàng, không chứa chất gây kích ứng.
  • Kiểm soát bã nhờn và môi trường:
    • Hạn chế để da đầu tiếp xúc với bụi bẩn, mồ hôi, hoặc ánh nắng trực tiếp, vì chúng có thể kích thích viêm.
    • Giữ tóc và da đầu khô thoáng. Sau khi gội đầu, sấy tóc nhẹ nhàng ở chế độ mát, tránh để tóc ướt lâu. Hạn chế đội mũ kín hoặc tiếp xúc với môi trường quá ẩm ướt.
    • Nếu thời tiết hanh khô quá mức cũng cần tăng độ ẩm môi trường để tránh da đầu bị khô nứt.
  • Duy trì lối sống lành mạnh:
    • Giảm căng thẳng: Stress là yếu tố kích thích tái phát, bạn có thể tập yoga, thiền, hoặc tham gia các hoạt động thư giãn lành mạnh
    • Chế độ ăn uống: Hạn chế thực phẩm nhiều dầu mỡ, đồ chiên rán, và bổ sung thực phẩm giàu kẽm, vitamin B, và omega-3 để hỗ trợ sức khỏe làn da.
  • Theo dõi và điều trị kịp thời:
    • Nếu có dấu hiệu tái phát (ngứa, đỏ, bong vảy), sử dụng ngay dầu gội đặc trị hoặc kem bôi theo chỉ định bác sĩ.
    • Thăm khám định kỳ: Nếu bệnh tái phát thường xuyên, gặp bác sĩ da liễu để được điều chỉnh phác đồ điều trị cá nhân hóa.
  • Tăng cường hệ miễn dịch: Nghỉ ngơi đủ, tập thể dục đều đặn, và duy trì sức khỏe tổng thể để giảm nguy cơ tái phát, đặc biệt ở những người có hệ miễn dịch yếu.

Phòng khám da liễu Thẩm mỹ Thái Hà tiếp nhận tư vấn và điều trị hiệu quả các bệnh lý viêm da đầu phổ biến, với đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm và dịch vụ thăm khám thân thiện, nhanh gọn. Nếu bạn còn bất cứ thắc mắc hay câu hỏi gì liên quan tới viêm da đầu nói riêng các các vấn đề da liễu nói chung, Da liễu Thái Hà rất vui lòng được giải đáp.

Chú ý: Nội dung bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi áp dụng bất kỳ phương pháp nào. Xem thêm
Tài liệu tham khảo
Cập nhật lần cuối: 09/07/2025
Thông tin này có hữu ích cho bạn không?
Chia sẻ bài viết